HOLLYWOOD TRONG CƠN SỐT CHUYỂN GAME LÊN MÀN BẠC Posts by : STEVE THAI

   Một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu của nền công nghiệp điện ảnh ở trên thế giới nói chung và tại Hollywood nói riêng đang bị tụt giảm chính là sự phát triển vũ bão của loại hình trò chơi điện tử. Cũng vì thế, Hollywood không ngại ngần trong việc bắt tay hợp tác với các công ty sản xuất game để chuyển thể từ trò chơi điện tử lên màn bạc.

   Năm 1993, Hollywood tiêu tốn hàng triệu đôla cho cuốn phim về anh chàng đi ăn nấm có tên Mario. Bộ phim có tựa đề Anh em nhà Mario siêu đẳng dựa theo nhân vật của trò chơi điện tử cùng tên đó là một hiện tượng lạ lùng vào thời điểm bấy giờ. Lạ hơn nữa là bộ phim dài đến 140 phút, còn dài hơn cả phim Công dân Kane. Anh em nhà Mario siêu đẳng chìm lỉm khi ra mắt người xem, bất kể nỗ lực quảng bá của hãng phim. Nhưng Hollwyood dường như không thèm chú ý đến phản ứng của dư luận để hề học được bài học cho họ. Một thập kỷ trôi qua, hàng chục bộ phim dựa theo trò chơi điện tử đã ra đời như Mortal Kombat, Final Fantasy: The Spirit Within, Alone in the dark và gần đây nhất là Doom. Đa phần đều… dở tệ và thất bại ê chề, không chỉ về chất lượng phim, những lời phê bình khá tệ mà cả về doanh thu tại phòng vé. Ngay cả bộ phim Doom vừa ra mắt trong tháng 11.2005 - xoay quanh một nhóm biệt kích được cử lên trạm nghiên cứu ở Sao hoả sau khi liên lạc của nhân viên tại trạm nghiên cứu này với Trái Đất bị gián đoạn và cuối cùng người ta phát hiện ra một quái vật hành tinh đang tàn sát người của trạm nghiên cứu - hứa hẹn sẽ thoát khỏi định kiến về phim dựa theo game, cũng vẫn không thay đổi được tình thế khi thu về 15.5 triệu đôla trong tuần đầu công chiếu và ngày một tụt giảm doanh thu nhanh đến chóng mặt. Đáng thất vọng hơn, Doom là một trong những trò chơi điện tử nổi tiếng và ăn khách nhất.

   Lý do các nhà làm phim vẫn quyết định chuyển thể trò chơi điện tử lên phim là vì các số liệu thống kê cho thấy, lượng người chơi điện tử ngày càng cao. Theo một số liệu khảo sát của ngành công nghiệp trò chơi điện tử thì tại Mỹ, trong năm 2005, có đến 160 triệu người chơi điện tử - chiếm 60% dân số nước này. Sự thành công về doanh thu của một vài phim hiếm hoi, chẳng hạn như hai tập phim Resident Evil, lại khiến các nhà làm phim vẫn tin chắc rằng, các phim dựa vào game vẫn có thể kiếm lời. Resident Evil thất bại tại Mỹ với doanh thu chưa tới 40 triệu đôla, nhưng doanh số từ phần còn lại của thế giới lên đến 102.4 triệu đôla, chưa kể tiền thu từ DVD. Năm 2001, bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ dựa theo trò chơi Lara Croft: Tomb Raider thành công lớn với 131.2 triệu đôla tại Mỹ và 143.5 triệu đôla tại thị trường nước ngoài. Phần 2 của bộ phim này, Cội nguồn sự sống, thu được 65.7 triệu tại Mỹ và thu thêm 90.8 triệu đôla tại các nước khác. Năm 2004, Alien vs. Predator mở màn bằng vị trí đầu bảng trong tuần với 38.3 triệu đôla trước khi thu về tổng cộng 82.7 triệu đôla trên toàn thế giới.

   "Trò chơi điện tử là một hướng đi mới cho các dạng phim ăn theo" Hutch Parker, giám đốc xưởng sản xuất phim của 20th Century Fox nói "Các fan của trò chơi điện tử rất trung thành với trò chơi yêu thích của họ. Và fan của game thì tràn ngập mọi nơi".

   "Chuyển thể từ trò chơi điện tử lên phim khá đơn giản vì trò chơi điện tử có sẵn nhân vật, câu chuyện và cả âm nhạc dường như được đo sẵn cho phim" Biên kịch Paul Anderson, người chắp bút cho phim Resident Evil: Apocalypse nhận định "Xét về mặt nào đó, chuyển thể trò chơi Resident Evil lên phim dễ dàng hơn vì bản thân trò chơi đã ảnh hưởng nặng nề từ phim ảnh. Có nhiều hình ảnh trong trò chơi điện tử khá ấn tượng và chúng tôi quyết định dựng lại trong phim".

   Nhưng sự thất bại của các bộ phim lại cũng chính ở đây: nội dung của các bộ phim này khá đơn giản (vì dựa theo trò chơi điện tử), thường có môtip một nhóm người phải phá được sào huyệt của một quái vật hay một tổ chức nào đó, trong khi đó phải chiến đấu với nhiều trở lực chết người khác. Nếu như các game thủ yêu thích trò chơi điện tử vì trò chơi giống phim nhưng họ lại là những người quyết định số phận của nhân vật và có thể lèo lái câu chuyện theo ý họ muốn thì với phim, họ chỉ là người ngoài ngồi xem… người khác chơi!

   Chính vì vậy, người ta hy vọng nhiều vào bộ phim dựa theo game Halo, một Xbox game nổi tiếng, khi đạo diễn Peter Jackson nhận lời đảm trách bộ phim này. Halo xoay quanh một cuộc chiến giữa người và các giống sinh vật hành tinh trên một hành tinh nhân tạo mang tên Halo. Peter Jackson là đạo diễn từng làm "chuyện không thể nhưng vẫn làm được" khi chuyển thể bộ truyện Chúa tể những chiếc nhẫn thành công vang dội với ba tập phim chiếu cách nhau từng năm và thu về gần 3 tỉ đôla cùng hàng loạt giải thưởng điện ảnh uy tín, trong đó có gần 20 giải Oscar cho cả ba phim. Ông cũng là người "liều mạng" làm lại phim King Kong, ra mắt vào cuối năm 2005. 

   Cho dù các phim dựa theo game không thành công, nhưng tiềm năng từ xu hướng phim này vẫn rất lớn nên các kế hoạch chuyển thể game lên phim tiếp tục rục rịch tiến hành ngày một ồ ạt hơn: Spy Hunter (một game về đua xe) với Dwayne "The Rock" Johnson trong vai tay lái không biết sợ hãi Alec Sects; Bloodrayne, dựa theo trò chơi về loài dhampir (nửa người nửa ma cà rồng) sẽ ra mắt vào đầu năm 2006 với Kristanna Loken thủ vai chính; nam diễn viên hành động thế hệ mới Vin Diesel vào vai tay súng bắn thuê mang biệt danh Nhân viên 47 trong bộ phim dựa theo game cùng tên Hitman, dự kiến ra mắt trong năm 2007; trò Silent Hill về bà mẹ đi tìm cô con gái ở một ngọn đồi bị ám mang tên Silent Hill (Đồi im lặng) được chuyển lên phim với Radha Mitchell (nữ diễn viên mới, gây chú ý qua phim Melinda and Melinda của đạo diễn Woody Allen) thủ vai chính; Resident Evil 3: Afterlife cũng lên kế hoạch ra mắt vào năm 2006 vẫn với Milla Jovovich trong vai Alice, lần này cô chống lại tập đoàn Umbrella đang có âm mưu tạo ra các phiên bản vô tính bất tử miễn dịch với loại virus chết người trong hai phần trước; Paramount Pictures mua bản quyền làm trò chơi chống khủng bố Psi-Ops và trò chơi chiến trận của các siêu nhân Area-51. Screen Gems mua bản quyền trò đua xe Getaway ª

» Related Articles: