UNITED 93-TÁI HIỆN CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH NGÀY 11-9 Posts by : STEVE THAI

   “Nếu bạn chưa kịp nói với người thân của mình rằng bạn yêu thương họ thì chắc chắn rằng bạn sẽ nói lên điều này ngay sau khi ra khỏi rạp chiếu phim về United 93”.   

   Đó là ý kiến của David Beamer, người cha của một nạn nhân xấu số trên chuyến bay United 93 cách đây gần 5 năm sau khi dự buổi trình chiếu đầu tiên của bộ phim này tại New York hôm 25-4. 

   Ngày 11-9-2001, chuyến bay mang số hiệu 93 của Hãng hàng không United đã đâm thẳng xuống cánh đồng khu vực Shanksville khiến toàn bộ 37 hành khách, 7 nhân viên phi hành đoàn và 4 tên không tặc thiệt mạng. Đây là chiếc máy bay duy nhất đã không đâm vào được toà bạch ốc theo ý đồ của bọn khủng bố vì một số hành khách, phi công đã can đảm chống chọi bọn không tặc đến phút cuối cùng của cuộc đời. Sự hy sinh dũng cảm của những con người bình dị này đã khiến Paul Greengrass đưa ra ý tưởng và quyết tâm thực hiện thành công United 93 trong một khoảng thời gian khá ngắn với một khoản đầu tư không nhiều (khoảng 15 triệu USD) và một dàn diễn viên chẳng lấy gì làm “gạo cội”. 

   Để có những thước phim tái hiện được cuộc vật lộn sống còn giữa những hành khách can đảm với bọn khủng bố, Greengrass và những thành viên trong đoàn làm phim đã kỳ công đi thu thập, nghiên cứu và gặp gỡ những người liên quan đến United 93. Họ đã đọc lại hồ sơ, các tin tức lưu trữ về hành khách, phi hành đoàn, cuộc ghi âm lại những giây phút cuối cùng của chuyến bay. Cô O'Hare, con gái của một nạn nhân của United 93 đã nói rằng: “Chúng tôi đã trở thành một bộ phận của đoàn làm phim vì những tình cảm chân thật, sự cảm thông sâu sắc của họ với số phận người thân của chúng tôi”. 

   Một điều thú vị là Ben Sliney, nhân viên không lưu của sân bay Kennedy - người đã chứng kiến lúc thảm họa xảy ra - đã được đóng chính vai của mình trong United 93. Còn đạo diễn Greengrass thì trầm tư nói rằng: “Chúng ta đã theo dõi họ trên ti vi và tự hỏi không biết điều gì sẽ đến với họ. Tuy nhiên, những con người can đảm này đã biết rõ điều gì sẽ đến”. 

  Tại nhà hát Ziegfeld, sau khi những thước phim cuối cùng đã kết thúc, cả nhà hát lặng im, không hề có tiếng vỗ tay như thông lệ - mọi người không muốn phá vỡ không gian đang ngập tràn nỗi xúc động nghẹn ngào, đau đớn của một số khán giả, thân nhân của các hành khách United 93 đã được hãng Universal Picture mời dự, sau khi đã liên tưởng đến những giây phút cuối cùng của người thân yêu của họ. 

   Khán giả đã gần như thấy lại được toàn cảnh diễn biến của chuyến bay xấu số 93: cảnh hành khách và phi hành đoàn bước lên máy bay trong một buổi sáng đẹp trời, hình ảnh lướt qua của những khuôn mặt khủng bố, cảnh chiếc máy bay bị không tặc đầu tiên đâm vào tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế, rồi cảnh những tên khủng bố bắt đầu thực hiện kế hoạch, một số hành khách tuỵệt vọng gọi điện thoại cầm tay về cho người thân... 

   Trước khi được trình chiếu chính thức, một số khán giả đã phản đối một số cảnh trong United 93 vì họ cho rằng như vậy là đụng vào nỗi đau của người khác. Ngoài ra, khi nỗi đau của người dân New York còn chưa lắng thì việc chiếu United 93 sẽ không ổn. Jeff Dishart, một phi công Mỹ đã nói rằng bộ phim đã thể hiện những cảm xúc “tồi tệ” và đây là một sự “nhòm ngo” vào đời tư người khác. Tuy nhiên, một số thân nhân của những hành khách của United 93 lại không nghĩ như Dishart, họ cho rằng United 93 đã ngợi ca được lòng can đảm để chống chọi với cái chết của thân nhân họ và coi đây như là một cuốn phim “tư liệu” về sự kiện 09-11 

   Còn hãng FOXnews thì bình luận rằng: United 93 là một cuốn phim hàng đầu trong những phim hàng đầu, đó là một cuốn phim được làm từ trái tim chứ không phải vì tiền bạc. Điều này không phải là không có lý vì theo hãng Universal Picture, họ sẽ trích khoảng 10 phần trăm trong doanh thu tuần lễ đầu tiên để tặng cho Quỹ tưởng niệm chuyến bay United 93. 

» Related Articles: