PHIM VÕ THUẬT TRUNG HOA LOẠI NÀO SẼ Ở LẠI Posts by : STEVE THAI

   Phim võ thuật là loại hình chủ yếu của điện ảnh Trung Hoa. Kể từ khi Lý Tiểu Long đặt chân vào Hollywood, phim võ thuật gần như trở thành một đại diện tiêu biểu của điện ảnh Trung Hoa trên trường điện ảnh quốc tế. 

   Những năm gần đây, nhiều bộ phim như Ngoạ hổ tàng long của Lý An, Anh hùng và Thập diện mai phục của Trương Nghệ Mưu, Vô cực của Trần Khải Ca, Tuyệt đỉnh công phu của Châu Tinh Trì và gần nhất là Tiệc đêm của Phùng Tiểu Cương, tuy khác nhau ở nhiều góc độ, tầng bậc nhưng đều là những bộ phim võ thuật "hướng ngoại" của điện ảnh Trung Hoa. 
Từ sau một Lý Tiểu Long kiệt xuất, những minh tinh võ thuật của màn bạc Trung Quốc cũng lần lượt xuất hiện khá nhiều và không kém phần xuất chúng: Thành Long, Hồng Kim Bảo, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Triệu Văn Trác, Ngô Kinh,…; trong đó, Thành Long, Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan được xem là 3 nhân vật tiêu biểu cho sự phát triển phim võ thuật những năm gần đây. Họ đại diện cho 3 hình thức khác nhau của điện ảnh võ thuật và cũng mang những ưu khuyết điểm khác nhau trong diễn xuất của mình. 

   Thành Long và võ thuật hài 
   Một Thành Long tài năng sớm được phát hiện từ phim Tuý quyền, Xà hình điêu thủ (Snake in the Eagle's shadow) đã khởi đầu cho trào lưu phim võ thuật hài Trung Hoa. Sở trường của Thành Long là dùng đề tài hài kịch về nhân vật nhỏ mà vận mệnh lớn. Với thủ pháp kinh kịch và tạp kỹ đan xen vào võ thuật, Thành Long đã dốc hết tinh thần sáng tạo ra những cảnh quay võ thuật kinh điển, từng nhận giải Kim Tượng cho chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất.

   Phong cách phim Thành Long mang tính thống nhất gom gọn trong hình thức phim hành động hài và là thể loại phim được ưa chuộng nhiều nhất trong thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Do Thành Long kiêm luôn vị trí chỉ đạo võ thuật và cùng làm việc với một nhóm sáng tác cố định nên chất lượng của động tác nhân vật trong phim Thành Long luôn giữ được mức tiêu chuẩn nhất định. 

   Tuy nhiên, phim Thành Long cũng có hai khuyết điểm. Thứ nhất, thiếu tính sáng tạo do “phong cách hoá” và thống nhất quá mức trong tổ chức. Thứ hai,  thiếu tính chân thực cho những cảnh quay vì sự khoa trương của hành động. Những phim gần đây của Thành Long như Phi long tái sinh (The Medallion), Tân câu chuyện cảnh sát (New Police Story) và Thần thoại đã không mang lại nhiều doanh thu. Không thể phủ nhận một thực tế là Thành Long đã già rồi. 

   Đẹp mắt với Lý Liên Kiệt 
   Bắt đầu bằng phim Thiếu lâm tự, Lý Liên Kiệt đã gây ấn tượng sâu sắc trong khán giả bởi vẻ ngoài tuấn tú và phong thái kiên nghị của một anh hùng. 

   Xuất thân là một quán quân võ thuật, mỗi động tác của Lý Liên Kiệt trong phim đều rất đẹp mắt. Anh dần thành công qua các vai nghĩa hiệp như Hoàng Phi Hùng, Phương Thế Ngọc, Vô Danh… và đã trở thành nhân vật tiêu biểu cho phim võ thuật cổ trang Trung Quốc. 

   Khác với Thành Long, Lý Liên Kiệt chỉ chuyên chú vào việc diễn xuất trước ống kính và rất ít khi tham dự thiết kế sau màn ảnh. 

   Lý Liên Kiệt chủ yếu tham gia phim cổ trang và những phim này luôn đòi hỏi tính đơn giản trong mỹ quan của động tác. Với những pha biểu diễn võ thuật tạo hình chậm rãi, Lý Liên Kiệt đã tạo nên nét “đẹp” trong hình ảnh võ thuật. Trong thị trường phim võ thuật của thập niên 90, anh và Thành Long là hai diễn viên sáng giá đầy triển vọng.

   Nhưng cũng bởi vì luyện võ từ thuở nhỏ và không đọc nhiều sách nên về phương diện diễn xuất, Lý Liên Kiệt không có bước đột phá đặc biệt. Bên cạnh đó, về mặt hình thức của động tác, Lý Liên Kiệt trộn lẫn võ thuật từ nhiều trường phái nên không có phong cách đặc trưng của bản thân. Chính điều này đã khiến anh trở nên “tự mình say sưa” trong những pha võ thuật. Điển hình là hai bộ phim Anh hùng và Hoắc Nguyên Giáp, Lý Liên Kiệt đã quá chú trọng việc khai thác quá nhiều động tác cho vai diễn của mình. 

   Tuy nhiên, khán giả không thể phủ nhận rằng Lý Liên Kiệt là người đã mang lại tính mỹ thuật cho kung fu trên màn ảnh của những năm 90. 

   Chân Tử Đan và tính "thực" trong võ thuật điện ảnh
   Chân Tử Đan bằng tuổi Lý Liên Kiệt, anh với điện ảnh vừa như gần lại vừa như xa. Được mọi người biết đến 
qua bộ phim truyền hình nhiều tập Tinh võ môn, trong thập niên 90, Chân Tử Đan còn làm đạo diễn và thủ vai chính trong những bộ phim võ thuật khác. 

   Sau khi tham gia hai bộ phim Chiến lang truyền thuyết và Ballistic Kiss, Chân Tử Đan quyết định lui vào hậu trường làm chỉ đạo võ thuật. Công việc này đã mang lại cho anh giải thưởng Kim Tượng dành cho chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất năm 2004 với phim Thiên cơ biến (The Twins Effect). 

   Không có nét “hài” thú vị của Thành Long, cũng không mang những chiêu thức tạo hình đầy vẻ mỹ quan của Lý Liên Kiệt, phong cách của Chân Tử Đan mang tính trực tiếp và tính thực chiến (chiến đấu thật sự). Bộ phim sắp ra mắt Long hổ môn với sự tham gia diễn xuất của Chân Tử Đan tuy bị đánh giá có tình tiết đơn giản, nhưng những pha võ thuật chắc đến tận xương trong phim đã phản ánh xu thế phát triển của điện ảnh võ thuật Trung Quốc hiện nay. 

   Sau một thời gian dài say mê với những pha hành động chen lẫn hài kịch và những cảnh quay võ thuật mang tính thưởng thức nghệ thuật, khẩu vị của quần chúng lại bắt đầu trở về với nguyên bản, đó chính là tính tả thực của hành động. 

   Điều này cũng là sự gặp gỡ tự nhiên trong hoán đổi đi đi lại lại giữa cái truyền thống và cái thịnh hành. Trong thời điểm hiện nay, thể loại phim võ thuật nào ở lại và thể loại nào "tạm thời" ra đi, điều đó còn phụ thuộc nhiều vào quyết định của khán giả.

» Related Articles: