PHỎNG VẤN LUẬT SƯ DAVID C. VƯƠNG VỀ LUẬT DI CHÚC Posts by : STEVE THAI

   Mỗi người trong chúng ta, qua giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp hay qua các phương tiện truyền thông, thể nào cũng có đôi lần nghe nói hoặc tìm hiểu về đề tài Di chúc, phát xuất từ mong muốn đem lại sự an tâm cho mình và gia đình thân yêu của mình, từ lâu người ta đã nghĩ ra nhiều phương cách để bảo vệ và gìn giữ của cải, tài sản cả đời khó nhọc làm ra, cả những ước mơ chưa thực hiện kịp cũng là một vấn đề cho mình suy nghĩ. Một căn nhà, một miếng đất , một mảnh vườn nho nhỏ cho dù sau khi nhắm mắt lìa đời thì công lao đó cũng phải được trao cho đúng đối tượng, biết là như vậy, nhưng có mấy ai hiểu rõ nội dung quy định trong bản Di Chúc, làm thế nào để nó có hiệu lực tuyệt đối sau khi mình không còn trên cõi đời. Để giải đáp những vấn đề liên quan đến nguyện vọng của mỗi người trong chúng ta, nói về của cải, tài sản, trách nhiệm nuôi nấng con thơ hay tất cả những mong muốn chưa thực hiện kịp trong cuộc đời, Minh Phạm và Hà Trương xin gửi đến quý độc giả cuộc phỏng vấn với LS David C.Vương tọa lạc tại Hong Kong 4 - City Mall, Lầu 2, phòng B25. Hy vọng bài phỏng vấn này sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về luật di chúc.

   MP: Kính chào LS, xin LS giải thích về ý nghĩa của Di chúc và hiệu lực của nó.
   LS.David: Di chúc nghĩa là những lời dặn dò của mình khi còn mạnh khỏe, sáng suốt, dùng để gửi gấm hoặc chỉ định cho ai đó nhận hay thực hiện những việc liên quan đến tất cả tài sản, nợ nần, nguyện vọng, v.v… của mình sau khi mình mất, do đó di chúc chỉ có hiệu lực sau khi người làm di chúc chết.


   HT: Nếu vậy thì mọi người chúng ta đều có thể làm di chúc khi còn mạnh khỏe, sáng suốt, xin LS cho biết có mấy cách để làm di chúc.
   LS.David: Vì di chúc là một phần rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, giúp cho người làm di chúc an tâm về tất cả những gì mình chưa thực hiện kịp nếu có rủi ro bất ngờ xảy ra, do đó từ rất lâu người ta đã sử dụng nhiều hình thức để thực hiện nó, hiện giờ thì có 2 cách để làm di chúc, một là mình tự làm, hai là mình nhờ LS làm cho mình.

   HT: Xin LS giới thiệu và phân tích 2 cách làm trên, cách nào có hiệu quả hơn?
   LS.David: Cách nào thì cũng có hiệu quả như nhau, nhưng nếu có tranh chấp thì di chúc do LS soạn thảo luôn có hiệu quả tuyệt đối. Nếu tự mình làm thì có 3 cách:
   ° Cách thứ nhất gọi là Oral will, tạm dịch là di ngôn, cách này sau khi mình chết, cần phải có 2 người làm chứng là có nghe mình nói trong lúc còn sống mạnh khỏe, và tài sản cho hay chỉ định người thụ hưởng chỉ giới hạn trong khoảng 15 đến 30 USD mà thôi, nhà cửa hay tài sản có giá trị lớn hơn không dùng được cách này.
   ° Cách thứ hai gọi là Holly Graphic will, tạm dịch là di thư, nghĩa là tự mình viết ra những gì mình muốn cho hay chỉ định tất cả tài sản mình có cho bất cứ người nào cũng được, giống như câu chuyện sau đây: một anh nông dân cày ruộng bằng máy, một hôm khi một mình sửa chiếc máy cày của mình ,anh vô ý bị chiếc máy này ngã và đè anh chết, nhưng trước khi chết, anh đã kịp viết lên thành xe dòng chữ: “Mom takes all”, thế là bản di chúc đã được lập thành, nói như thế để mọi người hiểu là mình có thể cho tất cả tài sản mình có sau khi mình chết bằng cách tự mình viết ra, tuy nhiên với cách này, cần phải trưng cầu giám định trước Tòa và phải có 2 người chứng minh nét chữ đó là do tự mình viết thì mới có hiệu lực.
   ° Cách thứ ba gọi là Office Depot will, nghĩa là mình ra ngoài tiệm mua form in sẵn các điều khoản chung chung, ai dùng cũng được, trong khi mỗi cá nhân có điều kiện hay ý kiến khác nhau, không ai giống ai, mua đem về đọc xong click vào từng mục nếu mình hiểu và đồng ý, lưu ý là những từ ngữ được dùng trong form đều là chuyên ngữ ngành Luật, người bình thường không phải là LS không thể hiểu hết ý của nó muốn diễn đạt, đôi khi có người gạch xóa đi vài điều rồi tự tay viết lên, vô tình đã làm cho lẫn lộn giữa 2 cách là Holly Graphic Will và Office Depot Will, khi xảy ra tranh chấp, Tòa Án sẻ không chấp nhận đó là di chúc, lúc đó Tòa sẽ dùng luật Di chúc của tiểu bang dành phân chia tài sản cho những người chết mà không có để lại di chúc, dĩ nhiên rất phiền phức và mất thời gian và chắc chắn là không đúng với ý nguyện của người đã khuất.

   Tóm lại, 3 cách tự làm di chúc trên gọi là Basic Law, luật cơ bản, ai cũng nghĩ là tiện lợi và tiết kiệm, nhưng hiệu quả không cao, khi muốn thực hiện nó, dù không có tranh chấp, người thừa hưởng cũng phải làm giám định, lệ phí không nhỏ và mất nhiều thời gian, nếu xảy ra tranh chấp thì thưa kiện rắc rối và cũng phải chi phí khá nhiều.

   MP: Nếu vậy loại di chúc nhờ LS soạn thảo theo ý mình thì có thể đáp ứng mọi vấn đề hơn, thưa LS.
                                                                                                                                         
   LS.David: Di Chúc làm theo luật thì gồm có 4 phần. Mỗi phần có nội dung khác nhau, quy định quyền lợi và trách nhiệm của người thụ hưởng cũng khác nhau, tùy theo tài sản và hoàn cảnh của người làm di chúc muốn chọn làm phần nào cũng được, nhưng tốt nhất là nên làm đầy đủ cả 4 phần như sau:

   1/ Last will    
   2/ Living will or physician will
   3/ Medical will
   4/ Power-at-attorney

    MP: Theo kinh nghiệm của LS, thì phần nào trong 4 phần kể trên được mọi người chọn làm nhiều nhất?
   LAST WILL: DI CHÚC CUỐI ĐỜI: Phần này luôn là lựa chọn tuyệt đối của mọi người. Thông thường khi nói đến di chúc, ai cũng hiểu rằng đây là một bằng chứng hợp pháp dùng để phân chia tài sản của mình sau khi chết, ai cũng quan tâm và muốn rằng tài sản đó sẽ được thuộc về chồng, vợ hay con hoặc cho bất cứ cá nhân, cơ quan, đoàn thể nào tùy ý. Cho nên nội dung của loại di chúc cuối đời này là dùng để đáp ứng cho điều đó. Di chúc cuối đời chỉ đề cập đến 2 vấn đề của người làm di chúc: tài sản và con cái dưới 18 tuổi.

   Về tài sản: Nếu được cho, tặng hay chỉ định trong di chúc thì cứ thế mà người thừa hưởng sẽ tiếp nhận dể dàng, còn nếu không có di chúc thì tài sản sẽ được Tòa Án phân theo nguyên tắc từ trên xuống, thí dụ chồng mất thì vợ thừa hưởng, vợ mất thì chồng thừa hưởng, cả hai đều mất thì con cái sẽ thừa hưởng, cả 3 đều mất thì cháu hoặc chắt, rồi đến bà con anh em họ hàng thân thích, xuống đến hết mà vẫn không có ai nhận thì sẽ quay lên cho Ông Bà, cứ thế cho đến khi có người nhận thì thôi và giải quyết thứ tự theo dòng nào gần nhất, bất kể người thừa hưởng có đúng đối tượng mà người đã mất có muốn trao cho hay không.

   HT: Thưa LS, giả sử có 2 vợ chồng mất đi, để lại tài sản không có di chúc, họ có 2 người con, theo luật thì tài sản sẽ được chia đôi, nhưng nếu có 1 trong 2 người con mất đi thì người còn lại có được nhận tất cả không? Nếu không nhận được thì có bị sung vào công quỹ của Chính phủ không?
   LS.David: Người con đó chỉ nhận được tất cả khi có sự chỉ định bằng di chúc, nếu không có thì nửa phần kia sẽ doToà Án phân chia như trên đã nói, thông thường thì chắc chắn sẽ có người nhận dù chỉ có một mối quan hệ nhỏ trong dòng họ, giả sử không còn ai thì cuối cùng sẽ giao cho người con ấy, chưa thấy trường hợp nào vì không có người nhận mà bị sung vào công quỹ.
 
   HT: Con cái dưới 18 tuổi thì được quy định như thế nào, thưa LS.
   LS.David: Vấn đề con cái dưới 18 tuổi: Nếu người có tài sản nhiều trên số triệu, thường thì phải có 2 người giám hộ (guardian), một người chuyên lo về tiền bạc thường là giao cho Ngân Hàng, người kia chuyên lo về thân thể của đứa bé như là đi học, đi du lịch, đi Bác sĩ. Nhưng người VN mình thì tài sản ít có ai hơn số triệu, do đó chỉ cần 1 người kiêm cả 2 nội dung. Cũng vậy, nếu chồng mất thì vợ sẽ là người giám hộ, hoặc ngược lại, nếu cả 2 đều mất thì có anh chị lớn, nếu không có thì chỉ định trước trong di chúc là Ông Bà, Cô Chú, Cậu Dì, tùy ý.

   MP: Chúng ta cũng thường nghe nói di chúc y khoa và di chúc bệnh viện, 2 phần này giống hoặc khác nhau như thế nào xin LS vui lòng giải thích giúp.
   LS.David: Đó là 2 phần khác biệt ngay tên gọi cũng như nội dung, nhưng giống nhau ở một điểm là giúp chúng ta an tâm nếu có rủi ro về sức khỏe, đó là Living Will và Medical Will, David trình bày 2 phần này như sau:

   LIVING WILL (PHYSICAL WILL): DI CHÚC Y KHOA ( BÁC SĨ): Phần này có 2 nội dung, mình thường gọi là "di chúc rút cọng dây",một là được rút cọng dây, hai là không được rút. Quý vị cũng biết có nhiều người mắc bệnh nan y hoặc bị đột quỵ hoặc bị chấn thương sọ não, lâm vào tình trạng sống đời thực vật không còn biết gì, chỉ nhờ máy móc mà duy trì hơi thở, có nhiều trường hợp bệnh nhân sống thoi thóp như vậy vài năm, có khi trên mười năm, hai mươi năm,  thật là khổ cho người thân lẩn người bệnh, cho nên loại di chúc này giúp cho người biết mình mắc bệnh nan y chỉ định sẵn người thay mình quyết định chấm dứt sự chữa trị kéo dài vô vọng, hoặc cũng có người không muốn rút cọng dây khi vẫn còn hy vọng, cho nên mới nói có 2 nội dung được quy định trong phần này.

   MEDICAL WILL: DI CHÚC BỆNH VIỆN: Có nhiều người khi phải vào bệnh viện để được giải phẫu bệnh A, trong khi BS tiến hành phẫu thuật thì phát hiện người này còn mắc phải bệnh B, nhưng vì lúc này bệnh nhân đã trong trạng thái mê man, BS không thể biết bệnh nhận có đồng ý cho BS giải quyết phát hiện mới này không, cho nên nếu có người chịu trách nhiệm trả lời vấn đề này thì rất dễ dàng cho việc điều trị hoặc cứu chữa cho kịp thời. Loại di chúc này chỉ có một nội dung, đó là chỉ định trước người thay mình quyết định việc cứu chữa và trả lời với bệnh viện trong trường hợp mình bị mê man, tuy nghe thì đơn giản, nhưng xét ra cũng không kém phần quan trọng. Những người phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh nở, không có làm medical will, thì khi nhập viện, nhân viên sẽ giúp thân nhân của sản phụ làm giấy chỉ định tạm ngay lúc đó, dĩ nhiên là không thể bằng di chúc có LS soạn thảo, kỹ lưỡng & tỉ mỉ hơn.

   HT: Vậy phần thứ tư gọi là Power of Attorney, nghĩa là gì và nó có thể chỉ định hay cho thực hiện những quyền  gì, thưa LS.
   
 POWER-OF-ATTONEY:DI CHÚC ỦY QUYỀN: Đây là giấy ủy quyền đặc biệt chớ nó không giống như loại giấy ủy quyền thông thường, nó cho phép người nhận có quyền đòi nợ và trả nợ, quyền mua hoặc bán lặt vặt v.v.. nó có hiệu lực khi người làm giấy này bị mất trí nhớ, không còn biết gì cả hoặc là chết đi rồi, thì nhờ giấy ủy quyền này, người được chỉ định sẽ thay mình giải quyết hết tất cả những hệ lụy cho mình, chẳng hạn như nợ nhà băng, nợ thẻ tín dụng, thanh toán các thứ bill, đóng các tài khoản NH, những người có business & bất động sản cần thiết phải làm giấy này, vì loại tài sản có title khi cần giải quyết sang tên mua bán phải qua Tòa Probate, vì 2 vợ chồng đứng chung title, dù không đứng chung thì luật Tiểu bang cũng cho quyền ngang nhau, cho nên khi một trong 2 người chết , nhờ có giấy này chuyện làm thủ tục sẽ nhanh chóng hơn, giống như chuyện đã xảy ra cho một gia đình kia, người chồng trong một chuyến về thăm quê hương đã chết vì tai nạn giao thông, người vợ vì đau buồn không còn muốn sống trong căn nhà kỷ niệm kia nữa, muốn bán đi để về ở với con cái, nhưng vì không có giấy ủy quyền này nên việc mua bán bị trở ngại, phải chờ thông qua Tòa Probate ít nhất 1 tháng đến 3 tháng, đăng thông cáo trên báo xem có ai tranh chấp gì không, có nợ nần gì không, phải giải quyết nợ xong rồi mới được cấp giấy ủy quyền này cho người còn lại, do đó David khuyên là quý vị nào có Bussiness, muốn đi xa nên làm giấy này trước để tránh rắc rối.

   MP: Người muốn nhờ LS soạn cho mình một bản di chúc có cần phải liệt kê đầy đủ tài sản mình có để đưa vào nội dung hay không?
   LS.David: Nếu mình có nhiều tài sản, muốn chỉ định rõ ràng cho từng người mình muốn cho, thì mới phải ghi ra, nếu không, mình chỉ cần chỉ định phần trăm của tất cả tài sản mình có được, cho những người mình muốn cho, muốn tặng,v.v.. thì sau khi mình mất đi, dù tài sản đó ở bất cứ đâu trên thế giới, dựa trên nội dung di chúc, tài sản đó cũng tìm được chủ của nó.

   MP: Rất cám ơn những hướng dẫn tận tình của LS về các nội dung và hiệu lực của tờ Di Chúc, trước khi chấm dứt buổi nói chuyện này, xin LS vui lòng cho quý đồng hương thêm vài ý kiến  riêng về đề tài này .
   LS.David: Quý vị đồng hương hẳn cũng biết nước Mỹ là một đất nước tự do và hùng mạnh, đó là nhờ luật pháp rõ ràng, nếu mình sống hiểu biết và áp dụng đúng theo luật thì mình sẽ có cuộc sống an vui và hạnh phúc, một trong những cách bảo vệ mình và gia đình tránh mọi trục trặc xảy ra nếu chẳng may gặp rủi ro không ngờ, nếu có làm sẵn 4 phần di chúc như trên thì 95% là mình đã tránh cho người thân của mình không gặp rắc rối hay phiền phức trong việc tiếp nhận tài sản hoặc thay mình thực hiện những ước nguyện sau cùng, bản thân người làm Di chúc cũng an tâm là chỉ sau khi mình mất đi, không còn nữa thì di chúc mới có hiệu lực, dĩ nhiên nội dung của bản di chúc cũng phải được giữ kín và bất cứ lúc nào người làm di chúc cũng có thể thay đổi nội dung bên trong. David xin chúc tất cả mọi người an vui, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt, thân chào.

   MP: Một lần nữa xin chân thành cám ơn LS. Trân trọng kính chào LS.

» Related Articles: