CANH BẠC CUỐI CÙNG CỦA TỶ PHÚ MỸ KIRK KERKORIAN Posts by : STEVE THAI


Đầu tháng 12/2006, ông Kirk  Kerkorian, 89 tuổi, nhà tỷ phú giàu thứ  53 thế giới vớitổng tài sản ước lượng  khoảng 10 tỷ USD (theo xếp hạng của Tạp chí kinh doanh nổi tiếng Forbes  của Mỹ) vừa quyết định bán "sạch"  9.9% cổ phần của mình (thông qua Công ty đầu tư Tracinda Corp.) tại General Motors, hãng sản xuất ô tô lớn  nhất thế giới, thu về 1.7 tỷ USD. Với khoản lãi chỉ gần 100 triệu USD, vụ bán tống bán táng cổ phiếu GM này  được coi như là canh bạc gần như cuối cùng của nhà đầu tư đại tài, nhưng  mệnh sống đã gần đất xa trời này. Vì ông Kirk Kerkorian là cổ đông cá  nhân lớn
nhất của GM, nên việc bán  này ít nhiều đã gây náo động trong các cổ đông GM, khiến cổ phiếu của GM tại Thị trường chứng khoán New York suy giảm. Mọi người đều phân vân  không biết động cơ bán hết cổ phiếu  GM của ông Kirk Kerkorian là gì.

   Để trấn an các nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu GM, ông Kirk Kerkorian  lý giải việc mình bán hết cổ phiếu GM    như sau: "Tôi đã quá già và các vị đều  biết tôi là người mê cờ bạc. Nhưng tôi  buộc phải dừng đánh bạc khi biết rằng,  không còn có cơ hội để thắng". Một số người am hiểu nội tình cho  biết, sở dĩ ông Kirk Kerkorian làm điều  này vì quan hệ giữa ông Kirk Kerkorian  và ông Rick Wagoner, Giám đốc điều hành GM đã xấu đi. Mấy năm gần đây,  GM làm ăn thua lỗ. Cụ thể, năm 2005, GM bị lỗ tới 10.6 tỷ USD và đúng như    câu châm ngôn "đồng tiền liền khúc ruột", ông Kirk Kerkorian cảm thấy xót khi thấy vốn đầu tư của mình ở GM cứ  bị hao hụt dần. Ông và nhà tư vấn  trung thành của mình tên là Jerome B. York, đại diện của ông trong Ban giám đốc GM đã tìm mọi cách xoay chuyển tình hình. Bản thân hai ông này đã rất  "có duyên" trong việc cứu giúp doanh nghiệp sản xuất ô tô, bởi năm 1990, khi Hãng sản xuất ô tô Chrysler (Mỹ) đang làm ăn thua lỗ và bên bờ vực phá sản thì ông Kirk Kerkorian đã bỏ tiền ra  mua lại phần lớn cổ phần của Chrysler rồi tìm mọi cách cùng ông Jerome B.York chèo chống, hà hơi tiếp sức cho  Chrysler sống lại.

   Năm 1998, Hãng  sản xuất ô tô Daimler (Đức) mua lại Chrysler để trở thành hãng mới có tên  là DaimlerChrysler. Ông Kirk  Kerkorian đã lời tới 3 tỷ USD. Thừa    thắng xốc tới, ông lại bỏ tiền ra mua cổ  phiếu của GM và trở thành cổ đông lớn  nhất GM. Song, do GM làm ăn thua lỗ  nên ông phải tìm cách gỡ cho GM, cũng là gỡ cho chính mình. Ông đã trực tiếp tiếp xúc với ông Carlos Ghosn, quốc tịch Pháp gốc Brazil, Giám đốc điều hành của hai  hãng sản xuất ô tô Renault (Pháp) và  Nissan (Nhật Bản), ngôi sao sáng giá  nhất hiện nay trong làng sản xuất ô tô  thế giới và sau đó khuyên nhủ ông Rick Wagoner nên thương thảo với ông  Carlos Ghosn để lên phương án sáp nhập với Renault và Nissan. Ông Rick Wagoner thì cho rằng, ông Kirk Kerkorian can thiệp và "chọc ngoáy" quá sâu và quá nhiều vào công việc điều hành GM. Bỏ ngoài tai lời khuyên của ông Kirk Kerkorian, ông Rick Wagoner quyết định cứu GM theo cách  riêng của mình, bằng cách bán đi 51%  cổ phần của GM ở GMAC, một công ty con của GM hoạt động trong lĩnh vực tài chính, thu về 14 tỷ USD.Bất mãn với quyết định này của ông  Rick Wagoner, trong tháng 10/2006, ông Kirk Kerkorian rút ông Jerome B. York ra khỏi Ban giám đốc GM. Không  thấy phản ứng tích cực gì từ phía lãnh đạo GM, ngày 22/11/2006, ông Kirk Kerkorian bán 2.5% cổ phần của mình ở GM và nghe ngóng tình hình trên Thị  trường chứng khoán New York. Cổ phiếu của GM bị giảm ít bữa và đầu  tháng 12/2006, khi cổ phiếu GM bắt  đầu hồi phục thì ông Kirk Kerkorian bán một lúc hết luôn. Giờ đây thì ông  Kirk Kerkorian coi như đã hết duyên nợ và vương vấn với GM. Còn Bank of  America, một trong những ngân hàng lớn nhất Mỹ, đã mua lại phần lớn số cổ  phần của ông tại GM. Ông Kirk Kerkorian sinh năm 1917 tại TP. Fresno (California) trong gia đình người Armenia di cư sang Mỹ. Ông bỏ học khi đang học lớp 8. Bươn  chải và kiếm sống bằng nhiều nghề,nhưng nghề đánh bạc gắn bó với ông nhiều nhất (60 năm) và ít nhiều giúp  ông trở thành tỷ phú.

   Năm 1967, ông bỏ ra 5 triệu USD để mua lại 33 acres ở Paradise Road (Las Vegas) và tại  đây ông cho xây Khách sạn  International Hotel (nay là Las Vegas Hilton) được coi là lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Thế rồi ông trở thành cổ đông lớn nhất của MGM Mirage, chuyên kinh  doanh các sòng bạc (casino) ở Las Vegas. Hiện ông nắm tới 61.7% cổ  phần của MGM Mirage và đây chính là "con gà đẻ trứng vàng" đưa ông thành  tỷ phú. Dù là tỷ phú, nhưng ông sống khá  bình dân. Hàng ngày, ông vẫn lái chiếc xe Jeep Grand Cherokee rẻ tiền và  không bao giờ cần tới vệ sĩ. Điều lạ lùng nữa là ông Kirk Kerkorian cả đời  không hề có thẻ tín dụng (credit card).    

 

» Related Articles: