LẬP NGHIỆP RỒI HÃY AN CƯ Posts by : STEVE THAI

 

  Nhân dịp Tết đến, và cũng nhân dịp bắt đầu một năm mới âm lịch, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu cùng quí độc giả câu chuyện về sự thành đạt của một Doanh Nhân rất đặc biệt. Hy vọng câu chuyện của ông sẽ giúp chúng ta có được những mục tiêu phấn đấu mãnh liệt hơn cho một năm mới tràn đầy hy vọng. Hơn thế nữa, rất mong đây cũng là một cơ hội để các bạn trẻ muốn bước chân vào thế giới kinh doanh có thêm những bài học hữu ích. Năm mới là một bắt đầu mới, là cơ hội xóa bảng để viết lại những thành tích vẻ vang hơn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Chúc bạn đọc thật nhiều niềm tin, may mắn, và một năm Đinh Hợi thành công thật mỹ mãn như nhân vật mà chúng tôi sắp giới thiệu cùng quí vị trong bài viết này. 
      Sang Hoa Kỳ năm 1975 khi còn là một thanh niên trẻ, ông đã có một cuộc sống hết sức khổ cực. Công việc đầu tiên là làm nghề rửa chén cho một nhà hàng với mức lương khoảng $2.25/giờ .Tối về ông phải ngủ trong garage của chủ cho ở nhờ. Ngày đầu tiên ông làm được $18.00, vì không biết đi xe buýt, ông phải tốn mất $16.00 để đón taxi. Thời gian cứ thế trôi đi, người thanh niên trẻ này đã làm đủ các nghề khổ cực từ rữa chén, thợ hàn giàn khoan ngoài biển khơi, hãng thịt bò, đến bán insurance… 
     

Nhờ một quyết tâm lập nghiệp mãnh liệt và biết tiết kiệm , sau một thời gian chịu khó cật lực, ông đã dành dụm đủ một số tiền để tự mua cho mình một tiệm grocery nho nhỏ. Từ đó, cuộc đời ông đã rẽ sang một bước ngoặt mới. Một cơ hội kinh doanh mà hình như chỉ dành riêng cho những người có chí phấn đấu bền bỉ, chịu được khổ cực, và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất hoàn toàn xa lạ này. Từ đôi bàn tay trắng, ông đã dựng được một cơ nghiệp đáng kính phục với tổng giá trị tài sản hơn mấy mươi triệu. 
     Xin mời quí độc giả theo dõi cuộc trò chuyện giữa Doanh Nhân Magazine và Ông Stephen Le, CEO(Chief Executive Officer)-Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của công ty GreatLand Investment Inc., một công ty chuyên phát triển, xây cất cơ sở thương mại, cao ốc và condos. 


DN: Chú đến Mỹ vào năm nào, và cuộc sống lúc đó ra sao? 
ÔNG STEPHEN LE: Tôi đặt chân đến Hoa Kỳ vào khoảng tháng 10, năm 1975. Lúc đó người Việt Nam còn rất ít, chỉ có vài gia đình mà tôi được biết như: Bà Nguyễn Văn Thơ, Bà Hạnh Phước, Ông Văn Bình, Anh em ông Văn Thọ Dental. Vài chúng tôi được nhà thờ Methodist bảo trợ và đã cùng học Anh văn tại nhà thờ. Sau đó một người trong nhà thờ đã tìm được một việc rửa chén cho tôi tại một nhà hàng Ý. Lương lúc đó khoảng $2.25 một giờ. Một ngày trung bình khoảng $18.00. Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên vì không biết cách đi xe buýt, tôi đã đi taxi tốn hết $16.00. Vậy là cả ngày coi như làm chỉ được $2.00. Không gian ấm cúng của tôi lúc bấy giờ là một chỗ ngũ trong một garage do chủ cho ở nhờ. Sau một thời gian khá cực khổ, tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc phải thay đổi nghề. Nhìn quanh quẩn lúc bấy giờ chỉ có nghề thợ hàn và thợ tiện là "Hot" nhất, tôi lập tức xin vào làm thợ hàn. Thoạt đầu thì tôi chỉ được làm với chức vụ "helper", rồi dần dà lên được đến "first class", rồi được đưa đi "off-shore".


DN: Chú đã bắt đầu sự nghiệp trong trường hợp nào? 
ÔNG STEPHEN LE: Tôi đã phải sống thật tiết kiệm để có thể dành dụm được một số tiền. Tôi không mua sắm quần áo mới mà mặc luôn những bộ y phục đi làm ở nhà. Với số tiền nho nhỏ đó, tôi đã mua một tiệm grocery và cứ thế, một mình một ngựa, tôi vừa sống luôn tại tiệm, vừa tự học làm hết mọi thứ, từ bán hàng, stock hàng đến dọn dẹp. Trong một dịp tình cờ, tôi thấy một người Mỹ da đen đang lượm những điếu thuốc hút dở ngoài đường để hút, tôi đã gọi anh ta vào, dẫn đi mua sắm và từ đó anh ta đã làm việc bên cạnh tôi suốt mười mấy năm cho đến khi anh ta bị bệnh qua đời. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã từ một tiệm, mua được tiệm thứ nhì, rồi tiệm thứ ba… 


DN: Nghe đến đây, cháu cứ nghĩ là Chú sẽ thành công trong lãnh vực groceries, nhưng tại sao lại là địa ốc? 
ÔNG STEPHEN LE: Kinh doanh đến tiệm thứ ba, tôi đột nhiên có khái niệm về ngành địa ốc. Tôi bắt đầu học hỏi và đã mở thêm được một Dealer xe. Sau đó, khi nghe được Mè Xửng Sông Hương đang muốn sang tiệm, tôi lập tức bán đi dealer xe để mua Mè Xửng Sông Hương và đã cải tiến Mè Xửng Sông Hương thành một công ty hoàn toàn bằng máy móc, phát triển hàng loạt để kịp cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng lúc bấy giờ. Mọi người đều thích ăn Mè Xửng Sông Hương vì nó đem lại hương vị ngọt ngào của quê hương, cái mà
người xa xứ chúng ta đang nhớ nhung, luyến tiếc. Đến năm thứ hai sau khi mua lại Mè Xửng Sông Hương, tôi đã lấy lại được số vốn ban đầu, nhưng cũng vào thời gian này, Mỹ đã quyết định "lift embargo" và hàng hóa Việt Nam bắt đầu ào ạt tấn công sang. Nhận thấy được đều bất lợi đó, tôi lập tức xoay chuyển qua thị trường Mỹ bằng cách giới thiệu mặt hàng này đến các công ty lớn như: Auchan, HEB, Fiesta và đã trở thành một trong những distributor cho những công ty lớn này. Sau đó tôi lại thành công trong việc, hợp tác phân phối Mè Xửng Sông Hương và những mặt hàng khác cho công ty Continental Airlines cho những chuyến bay HongKong và Nhật Bản… Mọi việc đang rất suôn sẻ thì biến cố 9/11 đã làm công ty Continental Airlines gần phá sản và họ đã ngưng ngang hợp đồng. Từ đó tôi đã bắt đầu tập trung hết mình vào ngành địa ốc, xây cất và phát triển cơ sở thương mại. Tôi đã mua thêm một stripping center, sau đó đến cái thứ ba, rồi thứ tư, rồi dần dà học hỏi kinh nghiệm và tự develop những công trình sau này.


 DN: Hiện nay Chú đã có được bao nhiêu shopping center và condos?
 ÔNG STEPHEN LE: hiện tại là 18 công trình và 3 projects đang thực hiện năm 2007 này.


 DN: Công ty CSL Leasing & Management cũng là của Chú phải không ạ?
 ÔNG STEPHEN LE: Vâng, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ những công ty Mỹ, tôi đã tự thành lập công ty Leasing and Management cho riêng mình. 


 DN: Ngoài 3 projects đang thực hiện trong năm nay, Chú còn có kế hoạch gì cho tương lai không?
 ÔNG STEPHEN LE: Tôi đang có một hoài bão làm hotels, dạng như Marriot Hotels và tôi cũng đang cố gắng thực hiện. Ngoài ra, công ty POPEYES fried chicken đang có ý định trao quyền master franchise cho tôi tại Việt Nam với dự án 150 tiệm trong vòng 5 năm nhưng tôi vẫn còn đang do dự. 


 DN: Chú có bí quyết hoặc câu vỡ lòng nào đã giúp Chú trong suốt con đường kinh doanh mà Chú có thể chia sẻ với cháu và quí độc giả của Doanh Nhân không? 
ÔNG STEPHEN LE: đặc biệt đối với ngành địa ốc thì tôi thường sử dụng ví dụ "cá mập". Những con cá mập đại diện cho những công ty khổng lồ như: Walmart, Những tập đoàn xây dựng Shopping Malls v…v. còn mình là những con cá con. Nếu mình tự săn mồi thì có thể chưa tìm được mồi đã bị tiêu diệt. Tốt hơn hết là bám theo những con cá mập để ăn đồ rơi rớt của nó. Vừa đỏ tốn công săn mồi, lại vừa được ăn uống no đủ và từ từ mình sẽ trở thành một con cá lớn. Vì vậy, tôi lúc nào cũng nghe ngóng và nghiên cứu những công trình lớn sắp được thực hiện và cứ như thế mà mua đất và xây cất cơ sở thương mại trong phạm vi đó. Đối với phương diện cá nhân thì tôi vẫn thường tự nhắc nhở mình ở giai đoạn đầu là: "only buy what you need, and not what you think you need(want)", hay nói cách khác là phải biết quản lý túi tiền của mình. Chỉ nên mua những gì thật sự cần thiết và tránh mua những gì mình muốn mua cho đến khi mình thành đạt. Chỉ có cách đó mình mới có thể dành dụm được những gì mình cần để thực hiện mộng tưởng. Người xưa mình có câu: "an cư, lạc nghiệp" , nhưng đối với tôi thì tôi thấy rằng mình cần phải lập nghiệp trước rồi mới an cư sau. 

 
DN: Một ngày làm việc của Chú ra sao? 
ÔNG STEPHEN LE: Một ngày làm việc của tôi rất nhẹ nhàng. Nếu như 3 ngày không được đi làm thì tôi sẽ rất bứt rứt và khó chịu. Tôi rất đam mê công việc của mình và có thể cũng vì vậy làm việc cũng được khá suôn sẻ.

 DN: Theo chú thì một người muốn thành công cần có những yếu tố gì? 
 ÔNG STEPHEN LE: Theo tôi thì phải có một vision sắc bén, cần cù, tiết kiệm, và quan trọng nhất là đam mê
công việc mình đang làm. 

 DN: Cám ơn Chú đã cho Doanh Nhân Magazine cơ hội được trò chuyện để chia sẻ cùng quí độc giả khắp nơi. Kính chúc Chú, gia đình, và công ty một năm mới tràn đầy hạnh phúc, may mắn, an khang và thịnh vượng.
 ÔNG STEPHEN LE: Cám ơn Doanh Nhân Magazine đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với độc giả khắp nơi. Tôi cũng xin thay mặt gia đình và bạn bè cám ơn các cháu đã đóng góp rất nhiều trong quá trình gìn giữ văn hóa dân tộc Việt Nam tại hải ngoại. Thân chào!

 

 

Interviewed and Written by Steve Thai 

 

» Related Articles: