NHÀ QUẢN LÍ NGÂN HÀNG SỐ 1 CHÂU ÂU Posts by : STEVE THAI

   Cách đây không lâu, giới ngân hàng và tài chính quốc tế chẳng mấy ai biết đến ngân hàng RSB (Royal Bank of Scotland). Thế nhưng mọi sự đã thay đổi một cách ngoạn mục và bất ngờ. Chỉ trong vòng chưa đến 5 năm, Chủ tịch điều hành Fred Goodwin đã biến RSB từ một ngân hàng tỉnh lẻ của Scotland thành một ngân hàng thương mại hàng đầu thế giới. Không chỉ người dân Edinburg mà tất cả người dân xứ Scotland đều không thể tin được khi RSB lại đang là ngân hàng thương mại lớn thứ hai ở châu Âu tính theo giá trị được định trên thị trường chứng khoán quốc tế. Là một ngân hàng ở châu Âu, nhưng RSB đang tìm cách xâm nhập Mỹ, thị trường ngân hàng và tài chính lớn nhất thế giới. Muộn nhất là sau vụ RSB nuốt chửng ngân hàng Mỹ Charter One với giá 10,5 tỉ USD thì các ngân hàng Mỹ đã cảm thấy hơi thở đằng sau gáy của một đại gia đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Với kỳ tích đó, Chủ tịch điều hành Fred Goodwin của RSB đã được bình chọn là nhà quản lý ngân hàng xuất sắc nhất 2003. Riêng năm 2003 lợi nhuận trước thuế mà RSB đạt được dưới "triều đại" Fred Goodwin là 7,2 tỉ bảng Anh, tương đương với 10,7 tỉ Euro, một con số không thể tin được nhưng lại là sự thật. 
   Nhà điều hành ngân hàng chuyên nghiệp
   Fred Goodwin hiện còn rất trẻ, năm nay ông mới 45 tuổi và nhậm chức Chủ tịch điều hành RSB cách đây 4 năm khi mới vừa qua tuổi 40. Goodwin là người vùng Paisley, thuộc xứ Scotland. Ông học kế toán tài chính và đã hành nghề kiểm toán kinh tế trước khi đến với lĩnh vực ngân hàng. Fred Goodwin bắt đầu với những kiến thức nghiệp vụ ngân hàng khi ông là kiểm toán viên cao cấp của Công ty kiểm toán độc lập Touche Ross & Co. Năng lực phân tích và nhận định của Fred Goodwin lần đầu tiên được chú ý vào đầu những năm 1990. Khi thực hiện kiểm toán tại BCCI, một ngân hàng của Pakistan có trụ sở chính tại London, ông đã phát hiện ra nhiều điều sai sót và cả những yếu kém hệ thống, gian lận đã gây thiệt hại cho ngân hàng tới hàng tỉ đô-la. Fred Goodwin say sưa với ngân hàng từ đó. Ông quyết tâm chuyển sang môi trường kinh doanh ngân hàng đầy phức tạp và nhiều thách thức này. Đến năm 1998, Matthewson, Chủ tịch điều hành đương nhiệm của RSB đã mời Fred Goodwin về cộng tác trên cương vị Phó chủ tịch điều hành. Cặp bài trùng Matthewson - Goodwin đã tỏ ra rất ăn ý trong mọi phương diện kinh doanh, từ ý tưởng, chiến lược cho đến mục tiêu. Một kế hoạch tăng trưởng và phát triển táo bạo đã được đề ra và Fred Goodwin chính là người chịu trách nhiệm triển khai. Đầu năm 2000, Matthewson quyết định chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị còn Fred Goodwin trở thành Chủ tịch điều hành chính thức của RSB. 

   Máy nghiền chi phí mang tên Fred
   Thành công vượt bậc của RSB trong những năm qua trước hết là nhờ tài quản lý giá cả và chi phí vô cùng chặt chẽ của Chủ tịch điều hành Fred Goodwin. Ông đã được đặt biệt danh "Fred the Shred" của một chiếc máy nghiền chi phí. Chỉ chưa đầy 4 năm kể từ khi làm Chủ tịch điều hành của ngân hàng, Fred Goodwin đã thực hiện tất cả 18 phi vụ sáp nhập hay mua lại các ngân hàng khác. Một trong những việc làm đầu tiên khi nhậm chức là Fred Goodwin đã rà soát lại toàn bộ các chi phí và chính sách tài chính. Rất nhiều các khoản chi trước kia là bình thường nay đã đột ngột bị cắt giảm. Ông sâu sát và trực tiếp giám sát và quản lý các hoạt động tài chính, chi tiêu của toàn ngân hàng. Ông dám làm và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Năm 2000, năm đầu tiên làm chủ tịch, Fred Goodwin đã tạo nên tên tuổi của mình với việc sáp nhập thành công RSB với ngân hàng National Westminster Bank (Natwest). Gọi là sáp nhập nhưng kỳ thực là RSB mua lại ngân hàng này với giá 37 tỉ USD, một con số động trời cho phi vụ khổng lồ này trong khi RSB chưa bằng 1 phần ba ngân hàng bị sáp nhập. Khi đó những người lạc quan nhất cũng tỏ ra không mấy tin tưởng vào phi vụ sáp nhập không mấy bình thường này. Liệu ông chủ tịch trẻ chỉ qua một đêm có thể điều hành một ngân hàng lớn gấp 4 lần trước? Và điều quan trọng là RSB có hoạt động kinh doanh hiệu quả ngay sau khi mới sáp nhập không? Bộ máy của Natwest quá cồng kềnh cùng với một hệ thống điện toán hoàn toàn khác là điều mà ai cũng lo ngại. Fred Goodwin đã chứng tỏ ngay năng lực của mình.Toàn bộ hệ thống điện toán của ngân hàng Natwest đã được hoà nhập vào hệ thống của RSB. Chi phí điện toán được giảm đáng kể. Nhưng đáng kể nhất là việc Fred Goodwin đã mạnh tay sa thải hơn 18.000 nhân viên. Chi phí hoạt động của RSB nhờ vậy mà giảm một cách rõ ràng. 

   Quyết đoán và cứng rắn 
   Fred Goodwin kiên quyết trong mọi hoạt động của ngân hàng. Được Mattewson đặt trọn niềm tin vào sự cải cách triệt để, Fred Goodwin đã không phụ niềm tin này. Từng nhiều năm kiểm toán các ngân hàng, Fred Goodwin đã phát hiện ra nhiều vấn đề cần thay đổi và thay đổi ngay lập tức. Ông biết rằng nếu biết vấn đề mà không đưa ra nổi hay đưa ra chậm một quyết định giải quyết vấn đề thì sẽ có những quyết định về chính bản thân ông. Vì vậy, rất quyết đoán và nhanh chóng, nhà cải cách ngân hàng Goodwin đã giải tán hoặc cải tổ triệt để nhiều bộ phận. Không phải không có những phản ứng trước những quyết định cứng rắn trên. Song chính nhờ các biện pháp rất quyết đoán và cách thức làm việc dám làm, dám chịu trách nhiệm về mình mà Fred Goodwin đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía cổ đông và các nhà đầu tư cho ngân hàng. Là tổng chỉ huy của cả một ngân hàng, Fred Goodwin không chỉ làm gương về một thái độ làm việc cần mẫn, chuyên nghiệp mà ông còn biết cách sử dụng con người một cách hiệu quả nhất. Cả một đội ngũ nhân viên khổng lồ với 120.000 đang nằm dưới quyền điều hành của Fred Goodwin. Ông chủ tịch điều hành đã thành công khi không chỉ biết động viên để nhân viên làm việc nhiều hơn, hăng hơn mà còn là làm việc hiệu quả hơn. Muốn hiệu quả thì phải có phương pháp làm việc tốt và đặc biệt phải có kỷ luật lao động. Đối với nhiều nhà cải cách như Fred Goodwin thì sa thải nhân viên là biện pháp để tăng hiệu quả của những người đang còn việc làm. Không hoàn toàn được ưa thích, đặc biệt là đối với nhân viên dưới quyền nhưng Fred Goodwin vẫn được đánh giá cao bởi cuối cùng thì kết quả kinh doanh mới là thước đo quan trọng nhất để đánh giá khả năng điều hành của ông. Fred Goodwin đã quá khôn khéo khi trả lời phỏng vấn rằng sa thải nhân viên không phải là chiến lược mà chỉ là biện pháp. Tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng ông có ý cho rằng những lợi ích từ tăng hiệu quả làm việc lớn chẳng kém so với 6,4 tỉ USD tiết kiệm được khi sa thải cùng lúc 18,000 nhân viên năm 2000. Hiện nay, Fred Goodwin vẫn khẳng định những gì mình đã làm và tiếp tục theo đuổi phương châm quản lý điều hành mà ông đang thực hiện rất thành công. Trên thực tế mọi người cũng phải thừa nhận, trong gần 5 năm qua số việc làm mà RSB tạo ra thêm vẫn còn lớn hơn số người mà đã bị sa thải dưới thời Fred Goodwin. 

   Tham vọng phát triển nhưng vẫn thận trọng 
   Cho đến trước năm 2000, RSB gần như chỉ hoạt động tại vùng Scotland, còn ngay tại Anh, RSB vẫn chưa có một thị phần đáng kể. Thế rồi sau 4 năm RSB đã trở thành ngân hàng số 2 của nước Anh và cũng là số 2 của châu Âu, sau ngân hàng HSBC. Fred Goodwin hiện có thể sánh vai bình đẳng với ông Chủ tịch John Bond của HSBC, người mà cách đó vài năm ông không dễ dàng gặp được. Trong vòng hơn một năm trở lại đây, nhiều tổ chức tài chính đã trở thành những đối tượng sáp nhập của RSB. Phải tăng trưởng, nhưng Fred Goodwin vẫn chú ý đến tăng trưởng có chọn lựa. Trừ trường hợp của National Westminster Bank năm 2000 và trường hợp Ngân hàng Mỹ Chater One vừa sáp nhập trong năm 2004 với giá trị trên 10 tỉ USD thì Fred Goodwin chủ trương chỉ tìm mua các ngân hàng và tổ chức tài chính nhỏ. Nếu quan sát sẽ thấy RSB có vẻ chú ý tới thị trường Bắc Mỹ hơn là thị trường châu Âu. Tất cả những điều đó đều nằm trong tính toán của nhà chiến lược tài ba Fred Goodwin. Với nhận định "Bắc Mỹ là thị trường dễ hội nhập, nhiều tiềm năng và rất hấp dẫn", RSB đã đặt một bước chân khá vững chắc tại đây với gần một phần tư doanh số. Cổ đông và các nhà đầu tư rất phấn khích trước những thành công của RSB nói chung và tại thị trường Mỹ nói riêng. Tuy thế tại thời điểm này Fred Goodwin lại tỏ ra thận trọng. Về quan điểm phát triển của ngân hàng, ông nói "RSB không nhất thiết phải là ngân hàng lớn nhất". Fred Goodwin tự nhận rằng những yếu tố thành công trong con người ông không chỉ là tiết kiệm triệt để, sẵn sàng sa thải mà là còn cả tính thận trọng, đa nghi khi cần thiết. Ông tiết lộ đã chấp nhận bỏ ra 500 ngày công kiểm toán để rà soát lại toàn bộ sổ sách và định giá lại Ngân hàng Charter One trước khi đặt bút ký mua lại ngân hàng có 616 chi nhánh tại miền Tây nước Mỹ này. 

 

» Related Articles: