BÀ CHÚA THƠ NÔM - HỒ XUÂN HƯƠNG Posts by : STEVE THAI

   Hồ Xuân Hương được coi là một hiện tượng có sức ảnh hưởng lớn lao và bền bỉ trong văn học Việt Nam suốt gần 3 thế kỷ nay. Có hàng ngàn giai thoại, hàng trăm cuốn sách viết về bà với hàng chục danh xưng cao quý, trong đó danh hiệu “bà chúa thơ Nôm” là trường tồn hơn cả.

   Thế nhưng, những gì mà người ta biết về bà thì vẫn mơ hồ. Năm sinh, năm mất, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của bà đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Người ta chỉ biết bà sống vào khoảng cuối thế kỷ 18, tên thật là Hồ Phi Mai, quê ở Nghệ An. Hồ Xuân Hương học rộng, đọc sách nhiều, uyên thâm Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo (đạo thần tiên). Bà cũng nổi tiếng với tài ứng đối, dùng điển tích (chuyện cũ) rất tài tình.

   Giai thoại kể rằng: hồi Xuân Hương còn đi học; một hôm gặp phải trời mưa đến sân nhà trường, đất trơn, cô nữ sinh trượt chân ngã oạch một cái, các bạn học thấy đều cười ầm lên. Nhưng Xuân Hương đã đứng ngay dậy, ung dung đọc hai câu thơ rằng:

   Giơ tay với thử trời cao thấp
     Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài

   Rồi cắp nón bình thản đi vào. Còn mấy chàng học trò, thấy nàng ứng khẩu tài như thế thì cũng phục, không dám chọc ghẹo gì thêm nữa.

   Hồ Xuân Hương vốn nổi tiếng tài hoa, hay bày ra các cuộc xướng họa văn thơ ở trong nhà để làm vui, nên khách khứa thường lui tới nhà bà rất đông. Trong số đó, những khách yêu chuộng văn chương mà đến thì cũng có; song hạng khách "phất phơ" vì tò mò mà đến, hoặc vì sĩ diện hão mà đến cũng không phải là hiếm...

   Bấy giờ có một công tử con quan ăn mặc rất bảnh bao nhưng học hành quá kém, đã năm lần bảy lượt đến định làm quen với Xuân Hương. Biết anh ta chỉ là một người tầm thường, nhiều lần Xuân Hương thoái thác không chịu tiếp. Một hôm, thấy anh ta dẫn xác đến, Xuân Hương bực quá chạy vào nhà trong rồi cho cô gái ở ra mời trầu; cơi trầu có quả cau bổ đôi kèm theo mảnh giấy đề hai câu thơ như sau:

Mảnh tình ví xẻ làm đôi được
Mảnh để trong nhà, mảnh để ra!

   Ý Xuân Hương muốn nói bà đã có người yêu, không thể nào tiếp anh công tử được nữa, nhưng đồng thời cũng thách thức anh ta trả lời thơ mình ra sao. Chàng công tử nhà giàu xem thơ xong, chừng liệu sức mình không đối chọi nổi, bỏ cả trầu không dám ăn, về luôn.

   Xinh đẹp, tài năng và kiêu hãnh là thế nhưng Hồ Xuân Hương khá lận đận trên đường tình ái. Người chồng đầu tiên của bà là một gã nhà giàu ít học. Đã thế, bà lại phải chịu thân phận làm lẽ và người chồng này chẳng bao lâu thì mất. Trên bốn mươi tuổi, bà lại kết hôn với Tri phủ Vĩnh Tường, được ba năm ông phủ Vĩnh Tường bị chém đầu vì tội tham nhũng, nhưng thật ra chết bởi sự kèn cựa của những quan lại cùng thời.

   Tác phẩm nổi bật nhất của bà là số thơ Nôm trong Xuân Hương Thi Tập. Ngoài ra bà còn để lại tập thơ chữ Hán tựa đề Lưu Hương Ký. 

   Thơ của bà rất gần gũi với cuộc sống đời thường, gợi đến sex một cách tinh nghịch nhưng không hề thô tục mà chứa chan tình cảm lãng mạn, thoát ly hẳn với những lễ giáo phong kiến thời bấy giờ. Bạn đọc thưởng thức bài thơ “Quả mít” của bà để thấy rõ những điều ấy : 

Thân em như quả mít trên cây
Cái vỏ xù xì, múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay

» Related Articles: