NGUYỄN TRÃI - NHÀ VĂN HOÁ LỚN CỦA VIỆT NAM Posts by : STEVE THAI

   Nguyễn Trãi, sinh ở kinh thành Thăng Long xưa ( Hà Nội ngày nay ) trong một gia đình trí thức quan lại triều nhà Hồ. Ông ngoại của Nguyễn Trãi là Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. 

   Năm Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ ông mất. Sau đó không lâu, ông ngoại Trần Nguyên Đán cũng mất. Ông về ở với cha tại quê nội ở làng Nhị Khê. Năm 1400, để cứu vãn chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và tiếp tục thi hành các cải cách như chính sách hạn nô, hạn điền, tổ chức lại giáo dục, thi cử và y tế. Cũng năm 1400, sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi. Nguyễn Trãi ra thi, ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm ông 20 tuổi. Hồ Quý Ly cử ông giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Còn cha ông là Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn từ năm 1374, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa trung thư kiêm Hàn lâm Viện học sĩ tư nghiệp Quốc Tử Giám.

   Năm 1406, nhà Minh của Trung Quốc mang quân sang xâm lược Việt Nam. Nhà Hồ đem quân ra chống cự, nhưng bị đánh bại. Cha con Hồ Quý Ly và một số triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh bị bắt và bị đưa về Trung Quốc. Nghe tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng khóc theo lên tận cửa Nam Quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù. Nhân lúc vắng vẻ, Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi: - Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha, khóc lóc như đàn bà mới là hiếu hay sao?

   Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở lại tìm con đường đánh giặc, cứu nước. Về đến Thăng Long, ông bị quân Minh bắt. Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc biết Nguyễn Trãi là một nhân vật có tài, tìm cách dụ dỗ, nhưng ông kiên quyết không theo giặc.

   Sau một thời gian bị giam lỏng ở Đông Quan (tức Thăng Long), Nguyễn Trãi vượt được vòng vây của quân Minh vào Thanh Hóa theo Lê Lợi. Ông gặp vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn ở Lỗi Giang. Ông trao cho Lê Lợi bản chiến lược đánh đuổi quân Minh mà sử sách Việt Nam gọi là Bình Ngô sách.

   Lê Lợi khen chiến lược của Nguyễn Trãi là đúng. Và ông đã vận dụng chiến lược này để đánh quân Minh. Từ đây, ông thường giữ Nguyễn Trãi gần bên mình để cùng bàn mưu tính kế đánh quân Minh.

   Cuối năm 1426, Lê Lợi lập bản doanh ở bến Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, ông cho dựng một cái chòi cao ngang bằng tháp Báo Thiên ở Đông Quan. Lê Lợi ngồi tầng thứ nhất của chòi, Nguyễn Trãi ngồi tầng thứ hai. Hai nhân vật luôn luôn trao đổi ý kiến với nhau.

   Trong kháng chiến, Nguyễn Trãi chủ trương phải dựa vào dân thì mới đánh được giặc, cứu được nước. Khi kháng chiến đã thắng lợi, ông cũng thấy rằng phải lo đến dân, thì mới xây dựng được đất nước. Trong tờ biểu tạ ơn được cử giữ chức Gián nghị đại phu tri tam quân sư, ông đã viết: "Chí những muốn, việc cố nhân đã muốn: để tâm dân chúng, mình lo trước điều thiên hạ phải lo".

   Năm 1437, khi vua Lê Thái Tông cử ông định ra lễ nhạc, ông cũng nói cho vua biết những điều mà vua phải làm trước hết là chăn nuôi nhân dân: - Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.

  Do luôn luôn “lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ”, Nguyễn Trãi lúc nào cũng sống một cuộc đời giản dị, cần kiệm liêm chính. Nhà của ông ở Đông Kinh (Thăng Long) chỉ là một túp nhà tranh (góc thành Nam lều một gian). Khi ông về Chí Linh, Côn Sơn ở ẩn, nhà của ông “bốn mặt trống trải, xác xơ chỉ có sách là giàu thôi” (thơ Nguyễn Mộng Tuân, bạn Nguyễn Trãi).

   Năm 1442, vua Lê Thái Tông  đi tuần phương đông, duyệt võ ở Chí Linh, Nguyễn Trãi đón xa giá đến chơi chùa Côn Sơn . Thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, có tài sắc, được nhà vua vời . Khi xa giá đến vườn Lệ Chi (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nhà vua bị bệnh sốt, Thị Lộ vào chầu suốt đ êm rồi vua mất, ai nấy đều nói Thị Lộ phản nghịch, nên Nguyễn Trãi bị kết tội tru di ( giết cả ba họ). Năm ấy, Nguyễn Trãi 63 tuổi, có người vợ thiếp đương có thai trốn được, sau sinh ra Nguyễn Ánh Vũ. 

   Năm 1464, vua Lê Thánh Tông, con trai của nhà vua đã mất trong vụ án oan đã hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng quan tước và tìm hỏi con cháu còn sót lại.

» Related Articles: