NHẠC SĨ LÊ UYÊN PHƯƠNG Posts by : STEVE THAI

   Như nhiều người chắc cũng đã biết, Lê Uyên Phương là hai cái tên chứ không phải là một: Lê Uyên và Phương. Nhạc của Phương như dấu tích một đời đã qua của ông và nữ ca sĩ Lê Uyên.
   Nhưng đó là chuyện riêng của hai người.
   Chúng ta hãy nghe nhạc của ông như những tác phẩm nghệ thuật thuần túy thôi.
   Ngay từ những bài hát đầu tiên, khi Lê Uyên Phương từ Đà Lạt "xuống núi", về Sài Gòn, trình diễn đêm ca nhạc đầu tiên và sau đó, chương trình Nhạc Chủ Đề của đài phát thanh Sài Gòn giới thiệu với thính giả, trong một buổi phát thanh dành riêng cho ông, nhạc của Lê Uyên Phương đã được yêu mến ngay.
   Cùng thời gian ấy, chúng ta có một lớp nhạc sĩ trẻ, nay đã trở thành những người danh tiếng cả: Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên…
   Những ca khúc đầu tay của Lê Uyên Phương, hiện vẫn còn được các ca sĩ đem trình diễn ở khắp nơi. Có một điều đặc biệt trong nhạc tình cũng như trong thơ tình là, người ta khó phân biệt sự thật với tưởng tượng, đau khổ và hạnh phúc. Bởi vì, những nỗi sầu tình ai oán nhất, lắm khi lại là "phía bên kia của hạnh phúc". Những cái vui buồn trong những tình khúc của Lê Uyên Phương có vẻ gần với thực tế hơn, da thịt hơn:
    Ưa em xuống phố trưa nay
    Đang còn nhức mỏi đôi vai

   Âm điệu của ông như được rút ra từ những nỗi khắc khoải hiện tại.
   Hiện tại là cuộc tình.
   Và cuộc tình là những gì đang sống, đang được cảm nhận từng giây phút, là chính đời sống và những gì vây quanh.
   Trong nhạc tình, trong thơ tình, ngoài những nỗi đau thương có thật, đôi khi chúng ta có cảm tưởng người ta còn đau những nỗi đau sắp sửa, buồn cái buồn chưa đến nữa.
    Sắp sửa lòng ta để lạnh lùng
            [ Xuân Diệu ]
    Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
    Bao giờ tôi hết được vì yêu
            [ Hàn Mạc Tử ]

   Hiện tại hình như không bao giờ đủ đối với những người tình.
   Người ta luôn muốn nhân hạnh phúc lên gấp đôi và biến đau khổ thành lũy thừa.
   Lê Uyên Phương không nói như thế.
   Nhưng tựu trung ông cũng không nói gì khác thế.
   Ông muốn ôm lấy hiện tại, nhưng đôi tay quá ngắn ông nối dài bằng nhạc. Hạnh phúc mong manh phải vây bọc bằng thơ. Và hát là một cách gọi tên, một cách nhắc nhở với mình rằng đó là những điều có thật để nó đừng biến mất.
   Ca khúc của Lê Uyên Phương hình như bài nào cũng được viết bằng những dây đàn căng thẳng và kết thúc bằng một tiếng thở dài. Đó là lúc tơ đã chùng, lòng đã mỏi, phải so lại, phải dỗ dành, phải bắt đầu lại, không phải từ chỗ bắt đầu mà từ chỗ dở dang.
   Nỗi vui trong nhạc Lê Uyên Phương phơi mở, nhưng cái buồn trong nhạc của ông bao giờ cũng giấu đi một nửa.
   Khi nỗi căng thắt trong lòng, cuộc tình đã bớt độ trói buộc, nhạc của Lê Uyên Phương nghe dường cũng giãn ra. Ông không kêu bằng nhạc nữa mà muốn biến nỗi đau thành tác phẩm, thì người ta cũng nghe ra sự loãng nhạt trong nhạc của ông.
   Ở đây không phải chuyện hay hay dở.
   Nó chỉ không còn phản ánh một cơn đau triền miên nữa.
   Giữa những ca khúc đầu tay của ông, người ta vẫn nghe ra một cơn đau nối dài.
   Tập Khi Loài Thú Xa Nhau, như một quãng ngắt bình yên.
   Nó báo trước một thời nghỉ ngơi của tâm hồn.
   Nó cũng cho thấy một giai đoạn sáng tác khác của tác giả.
   Người ta có thể thêu dệt hàng trăm điều về một tác giả.
   Nhưng tiểu sử của một tác giả, chính là tác phẩm của ông ta [ hay bà ta ]. Kỳ dư chỉ là những chú thích.
   Biến cố 1975 không chỉ ảnh hưởng đến một mình Lê Uyên Phương, mà hình như, nó biến hết thẩy chúng ta thành những người khác. Khác với chính ta trước thời điểm này, từ cách suy nghĩ đến cách sống.
   Rõ ràng là trong tác phẩm của cả những người còn ở trong nước hay đã ra khỏi, đều đã thay đổi.
   Số lượng tác phẩm được sáng tác từ 1975 đến giờ không phải là ít.
   Và lịch sử tiếp tục có những đòi hỏi, không biết chúng ta nên quên hay nhớ kỹ hơn nữa mọi chuyện, để có thể sống được với nhau.
        
   Cho lần cuối
   Giờ này còn gần nhau
   Gần thắm thiết trong mối sầu
   Gần bối rối biên giới từ lòng đau
   Giờ này còn cầm tay
   Cầm chắc mối duyên bẽ bàng
   Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
   Cầm giá buốt thương đau
   Ngày mai ta không còn thấy nhau
   Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau hẹn sau
   Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau mộng mau
   Ngoài trời mưa, mưa hoài
   Gió mưa nặng nề
   Người ngồi nghe xa cách
   Đá xanh ôi mỏi mòn
   Lệ ngập ngừng bờ mi
   Giọt nước mắt lăn nỗi buồn
   Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông
   Giờ này còn nhìn nhau
   Nhìn đắm đuối như suối bền
   Nhìn suốt kiếp như chết mòn
   Nhìn hấp hối thương đau
   Ngày mai ta không còn thấy nhau

 

» Related Articles: