TÚI TIỀN CỦA ĐÀN ÔNG Posts by : STEVE THAI

   “Quần áo làm nên người đàn bà, tiền bạc làm nên người đàn ông”. Cổ nhân nói câu này chí lý, và chắc bây giờ nó vẫn còn có một ý nghĩa nhất định. Người đàn ông với chuyện tiền bạc cũng phải có phong cách. Đồng tiền có thể làm cho người ta sang, cũng có thể khiến họ hèn. Mọi chuyện còn tùy thuộc bạn kiếm tiền như thế nào, tiêu xài ra sao, có làm chủ được bản thân và tiền của mình hay không. Có thể đây không phải là nguyên tắc vàng, nhưng là những điều mà bạn sẽ thấy hữu ích và đúng đắn.

   1. Phải có tiền
   Ai đó không muốn làm việc, trở thành kẻ không một xu dính túi thì đó chẳng phải là điều đáng hổ thẹn hay sao? Chẳng thà làm một công việc cực nhọc đến mấy để có tiền tiêu ở mức tối thiểu, không liên lụy đến người khác, còn hơn không làm gì. Khi có việc mà không làm, để bản thân lâm vào cảnh túng quẫn thì dù bạn có tỏ ra thông thái, người khác cũng "hạ bệ" bạn ngay.

   2. Đừng chi tiêu vượt thu nhập
   Tưởng như bài toán về cân bằng thu chi này là đơn giản, nhưng có khi người ta giải cả đời không xong. Thật lạ lùng là với tiền bạc, có ít cũng đủ, mà có nhiều cũng chỉ đủ. Dường như thu nhập của bạn tăng theo cấp số cộng, còn nhu cầu tăng theo cấp số nhân. Nếu bạn thực tế một chút, không bao giờ nên tiêu hết số tiền kiếm được. Tệ lắm thì cũng phải lập một quỹ dự phòng rủi ro, tối thiểu là 10% thu nhập. Ở các phương Tây giàu có, việc vay nợ và mua chịu có khi quá dễ đến nỗi phá sản cá nhân xảy ra rất thường. Ở ta thì ít hơn. Nhưng ở đâu thì cũng vậy, cuộc đời ta có thể khốn đốn chỉ vì cách chúng ta tiêu tiền. Khi tiếp xúc với một người phương Tây, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy với họ, mỗi người là một nhà quản lý tài chính, ít nhất là với tài sản của mình. Quản lý chi tiêu cá nhân thực sự là một kỹ năng sống quan trọng và thiết thực nhất.

   3. Đừng than vãn vì tiền
   Đừng tưởng người giàu là không thiếu tiền. Ai cũng có cảm giác là mình có ít tiền hơn mình mong muốn. Nên để cho suy nghĩ đó tạo cho bạn động lực làm việc, chứ không để nó giày vò bạn. Sẽ vô ích thôi nếu bạn than thở về chuyện tiền bạc với một ai đó khác. Nên nhớ, họ cũng muốn than vãn hệt như bạn vậy, họ không thể nghe và chia sẻ với bạn được đâu.

   4. Đừng mượn tiền chỉ vì có thể mượn được quá dễ
   "Đừng đi mượn tiền và cũng đừng cho ai vay tiền". Câu nói này có vẻ mang nặng tính ích kỷ, nhưng nó cảnh báo nguy cơ một mối quan hệ đang tốt đẹp sẽ đổ vỡ chỉ vì quan hệ vay, mượn, nợ, đòi. Nếu bạn còn có thể tự xoay xở được thì đừng nên mượn tiền làm gì. Nếu buộc lòng phải vay nợ, thì khi có một khoản thu nhập, việc đầu tiên bạn phải làm là trả nợ, chứ không phải là đem tiền đi mua sắm, cho dù người vay sẵn sàng ra hạn trả nợ. Đây là nguyên tắc sống mà bạn không được vi phạm. 

   5. Đừng mua chịu
   Khi bạn sẵn sàng mua chịu một món đồ, tức là bạn đã tạo ra một tiền lệ cho những lần kế tiếp. Thực ra, chẳng khó khăn gì nếu như bạn chưa có món đồ đó ngay, vì hầu hết những món đồ bạn mua không bức thiết như cơm ăn, áo mặc. Nếu bạn chịu khó lập kế hoạch và dành dụm tiền cho đến khi mua được đồ, bạn sẽ có được cảm giác chiến thắng, và điều đó động viên bạn rất nhiều. Đừng hưởng thụ và làm việc trả nợ. Chỉ riêng điều ấy đã khiến bạn cảm thấy cuộc sống không ổn định rồi.

   6. Boa tiền đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Đừng đóng vai ông chủ trong một ngày
   Đấy là khoản tiền bạn trả để cảm ơn về sự phục vụ tốt làm bạn hài lòng. Đây là cử chỉ văn hóa. Đưa tiền boa không phải là cho không tiền thối lại. nếu bạn định boa, trước tiên bạn nhận lại đủ tiền thừa, rồi lấy trong ví ra đồng tiền khác đưa cho người phục vụ và cảm ơn họ. Hoặc đặt tiền trên bàn. Tiền boa không thể nhiều quá, thông thường là 10 đến 20% hóa đơn là vừa phải. Nếu bạn đưa quá nhiều tiền, bạn sẽ có thiện cảm tức thì của người phục vụ. Nhưng lần sau bạn trở lại, họ theo lẽ tự nhiên sẽ chờ đợi bạn boa không ít hơn lần trước.

   7.  Nếu phải chi tiêu thì đừng tỏ ra xót xa
   Bạn được dạy bảo về tính tiết kiệm từ lúc nhỏ, và cha mẹ bạn bao giờ cũng là những tấm gương tốt.  Tiết kiệm là biết thương xót mình, nhưng không đến nỗi keo kiệt. Tiết kiệm để đến khi cần phải chi dùng một món lớn, bạn có thể làm được mà không hỏng việc. Đàn ông, khi cần chi là phải chi mạnh. Chi tiêu nhiều nhưng hợp lý và quý trọng sức lao động bản thân.

   8.  Đừng coi tiền là xấu
   Tiền không xấu, chỉ có những thói xấu của con người làm cho đồng tiền trở thành dơ bẩn, tội lỗi. Làm việc và chạy theo thu nhập là một xu hướng tất yếu của xã hội. Tiền dễ đến thì đi, mà khó kiếm thì còn lại lâu. Ngày nay, người ta có quyền tự hào về tài sản của mình vì nó phần nào phản ánh năng lực cá nhân và sự thành công của bạn. Một tài sản lớn do làm việc cực khổ, do tài tháo vát hay thậm chí cho may mắn đều xứng đáng được tôn trọng.

   9. Đừng mua chuộc và để bị mua chuộc bằng tiền
   Khi một người gặp lúc khó khăn mà dùng tiền để mua chuộc, chèn ép họ thì chỉ tạo thêm lòng căm thù. Bao giờ cũng vậy, tiền không thể mua được nhân phẩm con người. Bạn có thể dùng tiền để tạo ra áp lực, nhưng đằng sau sự phuc tùng của người ta chính là sự phản kháng, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. Còn ngược lại, bạn bị mua chuộc? Bạn chỉ chấp nhận để tiền mua chuộc một lần thôi để đổi lấy một thứ lợi ích nào đó, bạn đã ràng buộc mình vào một vòng lẩn quẩn. Những lần sau, bạn sẽ tiếp tục bị mua chuộc và bị điều khiển cho đến khi bạn không còn tự do, không còn quyền quyết định với bản thân và tất nhiên không còn là mình nữa.

   Đồng tiền là con dao hai lưỡi, bạn muốn cầm ở đằng lưỡi hay chuôi, điều đó tùy bạn. Nhưng cầm ở đâu cũng phải thận trọng. Kinh nghiệm cho thấy khi phú quí biết dùng đồng tiền giúp người khác một cách chân thành và hợp lý, thì lúc khốn khó không đến nỗi cùng đường mạt vận. Bây giờ bạn nghĩ mình có thể tạo ra một phong cách với cái ví của mình chưa?

» Related Articles: